Giang Hồ Mộng Ký

Chương 1: Hoàng Hà nhất nộ lê dân khấp – Du tử hồi gia bất khả ngôn

Trước Sau

Lưu vực sông Hoàng Hà chính là cái nôi của dân tộc Trung Hoa. Dọc theo sông có rất nhiều thành quách lớn, dân cư đông đúc. Người ta bám lấy Hoàng Hà mà sinh sống dù con sông vĩ đại này luôn gây tai họa. Một trong những địa phương nổi tiếng cạnh Hoàng Hà là Khai Phong. Xưa kia từng là kinh đô của nhà Tống.

Khai Phong nằm ở phía Nam Hoàng Hà, trên trục Bắc Nam và trên đường ra biển Đông của các tỉnh phía Tây. Do vậy mà kinh tế phồn vinh, dân cư sầm uất. Nhưng cũng như nhiều điạ phương khác, đã và đang lấy bầu sữa của bà mẹ Hoàng Hà, Khai Phong thỉnh thoảng phải gánh chịu cơn cuồng nộ. Khi thượng nguồn mưa nhiều, cuốn trôi hoa màu, nhà cửa, gia súc, tài sản và cả người nữa.

Mười sáu năm trước, Khai Phong từng gặp thủy tai. Cảnh lầm than, tang tóc không bút nào kể xiết. Đê vỡ thì người giàu cũng phải khóc. Trừ phi nhà của họ ở trên đỉnh đồi. Nhưng trên đó thì chẳng đào đâu ra nước sinh hoạt.

Giàu nghèo khác nhau ở chỗ là sau trận thiên tai, các tay đại phú dễ dàng xây lại nhà cửa, sớm an cư lạc nghiệp. Còn bần dân thì lắm kẻ trở thành ăn mày.

Trong cơn hoạn nạn mới biết ai là kẻ có lòng. Thuần Vu gia trang cũng bị tàn phá nhưng ngay khi nước chưa rút khỏi đã bỏ phân nửa gia sản mua lương thực phát chẩn cho tai dân, cứu gíup được hàng vạn sinh linh qua cảnh điêu linh. Bách tính tôn xưng Trang chủ Thuần Vu Hồng là Trung Nguyên Sinh Phật, hết lời ca ngợi mà không để ý rằng gương mặt phương phi phúc hậu của ông phảng phất nỗi buồn. Sông Hoàng Hà đã cuốn đi đứa con trai bé bỏng của ông.

Mười sáu năm sau, Thuần Vu gia trang bề thế và đồ sộ hơn xưa vì nghề buôn châu ngọc có lợi nhuận cao. Cửa trang vẫn mở rộng để bố thí cho những người nghèo hèn hoặc kẻ lỡ độ đường mà túi rỗng. Ai cần giúp đỡ cứ việc mạnh dạn bước qua cổng chính, ghé tòa tiểu viện thanh nhã nằm cạnh con đường lát đá dẫn vào sân. Nơi đây luôn có người túc trực lắng nghe những yêu cầu và vui vẻ đáp ứng. Ngày sóc, ngày vọng, cửa trang tấp nập bọn khất cái vì Trang chủ phu nhân sẽ đích thân bố thí.

Trang chủ phu nhân có nhũ danh là Tiết Như Xuân. Dáng người nhỏ nhắn, ngũ quan thanh tú đầy vẻ nhân từ. Năm nay bà mới bốn mươi nhưng không còn sinh đẻ được nữa sau khi đứa con trai bốn tuổi bị dòng nước lũ cuốn trôi đi mất biệt. Nỗi đau trong lòng người mẹ chẳng hề phai theo thời gian nên ánh mắt bà vẫn buồn vời vợi.

Trang chủ Thuần Vu Hồng yêu vợ bằng trái tin nồng thắm và cao thượng của bậc đại nhân nên đã không nạp thiếp, chỉ nhận một bé gái làm dưỡng nữ, đặt tên là Thuần Vu Tiệp.

Tiệp nhi là con của một đôi vợ chồng ngư phủ. Năm sáu tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ bởi chiếc thuyền chài ọp ẹp đắm trong cơn mưa gió và sóng dữ Hoàng Hà. Nước sông Hoàng cuồn cuộn chảy về Đông với tốc độ của vó ngựa, sóng mùa mưa thật đáng sợ.

Họ hàng của Tiệp nhi đã dắt cô bé đến Thuần Vu gia trang để xin tiền mua quan tài chôn cha mẹ. Gương mặt xinh đẹp, linh mẫn của Tiệp nhi đã khiến vợ chồng Trang chủ nảy ra ý định bảo bọc cô bé và tìm chút niềm vui thay thế cho đứa con đã mất.

Giờ đây, Tiệp nhi đã mười tám, nhan sắc kiều diễm phi phàm, nổi tiếng đệ nhất mỹ nhân đất Khai Phong. Thuần Vu gia trang trồng rất nhiều lựu, mùa hè hoa đỏ rực vườn và Thuần Vu Tiệp lại ưa thích trang phục màu hồng nên người ta gọi nàng là Đan Nhược Tiên Tử.

Đan Nhược, Ốc Đan, Kim Anh, chính là những mỹ danh khác của loài lựu.

Nữ nhân mà thích màu đỏ thì tính tình hoạt bát, sinh động, vui vẻ, nồng nhiệt song kém phần nồng thắm, sâu sắc.

Nhưng dẫu cho Thuần Vu Tiệp có bao nhiêu khuyết điểm đi nữa thì đám thế gia công tử đấy Khai Phong này cũng vẫn say mê như điếu đổ. Phần vì cô nàng tính khí thất thường kia quá xinh đẹp, phần vì tài sản kếch xù của Thuần Vu gia trang.

Thế cho nên khách sảnh luôn náo nhiệt bởi sự lân la thăm viếng của những chàng trai danh giá trong thành. Chẳng ai có thể cấm cản họ vì tòa đại sảnh kia cũng chính là một cửa hàng bán lẻ ngọc ngà, châu báu, còn Đan Nhược Tiên Tử là người trông coi.

Giá trị của ngọc rất lớn, có viên trị giá hàng ngàn lượng bạc. Do vậy, khách được quyền xem xét tỉ mĩ, chọn lựa kỹ càng, lâu lắc. Thế là các chàng thợ săn cố tình rề rà, uống cạn vài chục ấm trà rồi mới chịu ra về. Mua mãi thì sạt nghiệp nên họ thường đem ngọc cũ đổi lấy ngọc mới. Chẳng lỗ bao nhiêu mà lại được tiếng hào hoa.

Thời xưa, ngọc ngà châu báu thường được đính lên mũ, áo hoặc tóc của những kẻ lắm tiền.

Tuy nhiên, dầu tính toán cách nào thì sau một hai năm cũng có người chịu thua mà bỏ cuộc. Chỉ còn lại những tay trường vốn. Đám này cắn răng, cố bám trụ mong có ngày lọt vào mắt xanh của giai nhân. Nhưng than ôi, Đan Nhược Tiên Tử cứ nhởn nhơ như cánh bướm đùa giỡn với những trái tim si mê đầy tham vọng, chẳng chịu đón nhận ai cả.

Tóm lại, Thuần Vu Tiệp cứ việc cười khanh khách và mỗi tháng thu về vài ngàn lượng bạc.

Khung cảnh phía trước thì huyên náo vì vui vẻ song khu cực hậu viện thì lại u tịch đến lặng người. Dù san sát những kiến trúc vô cùng tráng lệ và nhân số đông đến hơn trăm. Gia đinh, tỳ nữ chẳng dám cười lớn vì tôn trọng nỗi buồn của chủ nhân. Mười sáu năm nay, vợ chồng Thuần Vu Hồng chưa bao giờ tươi nét mặt, có cười cũng chỉ là gượng gạo.

Là bậc đại phú nên Thuần Vu gia trang phải nuôi cả trăm tráng đinh giỏi võ nghệ để bảo vệ tài sản của mình trong nhà cũng như trên đường vận chuyển. Dẫu có mướn tiêu cục thì Thuần Vu Hồng cũng cử vài người gia nhân thân tính tháp tùng. Ông là người phân phối ngọc lớn nhất Trung Hoa, có nguồn hàng từ các mỏ Lam Bảo Ngọc ở Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Huy Châu. hoặc Mã Não ở Nam Kinh, Nghi Xương.

Dĩ nhiên thị trường tiêu thụ châu báu lớn nhất chính là Bắc Kinh, Nam Kinh.

Doanh số hàng năm của Thuần Vu gia trang lên đến hàng trăm vạn lượng hoàng kim. Nghĩa là cửa hàng của Thuần Vu Tiệp chỉ là nơi để nàng tập làm ăn và kén chồng.

Thuần Vu Hồng hơn vợ hai tuổi, tướng mạo hiền lành, tầm thường song lại thông minh tuyệt thế, cơ trí siêu phàm nên chỉ kinh doanh hai mươi năm đã trở thành người giàu nhất Khai Phong.

Không giống những nhà đại phú khác, Thuần Vu Hồng rất chung tình với vợ, dù Tiết Như Xuân thường khuyên ông nạp thiếp để có con nối dõi tông đường. Hôm nay cũng thế, khi người đàn bà tội nghiệp kia mở miệng thì ông cười bảo :

- Phu nhân chớ quá lo. Ta với nàng luôn ân ái mặn nồng, trước sau gì cũng có tin vui. Vả lại, họ Thuần Vu ở Sơn Đông và Dương Châu còn rất đông, sao có thể tuyệt tự được.

Trang chủ phu nhân thẹn đỏ mặt, liếc chồng say đắm. Mười sáu năm qua, người đàn ông dũng mãnh, cường tráng kia đã hết lòng chăm sóc, nâng niu, vỗ về với niềm lạc quan rực rỡ. Chính vì thế mà Tiết Như Xuân không suy sụp vì cái chết của đứa con yêu dấu.

Đôi uyên ương tuổi thập tứ đang chuyện trò thì có Vệ tổng quản xin yết kiến.

Vệ Cửu tuổi gần sáu mươi, tóc đã hoa râm song thân thể tráng kiện, mắt sáng quắc, mặt vuông, râu bó chùm trông rất oai phong. Họ Vệ xuất thân từ chốn giang hồ, giỏi nghề múa kiếm, hiện phụ trách an ninh cho gia trang.

Lão vòng tay nói :

- Bẩm Trang chủ và phu nhân. Lão phu phát hiện có một kẻ lạ mặt khả nghi, bốn ngày nay cứ lẩn quẩn trước cửa trang, đã nhận bố thí rồi mà chẳng chịu đi. Tuổi y có lẽ chỉ độ quá đôi mươi, áo quần rách rưới, râu tóc bù xù, da dẻ đen đúa, dơ bẩn. Lúc đầu lão phu cho rằng y điên nhưng quan sát lâu dài thì lại đâm ra nghi hoặc vì ánh mắt y rất trong sáng. Lão phu hỏi han thì y chỉ cười mà không đáp.

Trang chủ phu nhân cau mày ngắt lời :

- Năm nay tuyết rơi nhiều, trời lạnh cắt da, sao Vệ lão không cho y chiếc áo bông cũ?

Vệ Cửu cười khổ :

- Lòng từ bi của phu nhân e rằng chỉ vô ích. Gã tiểu quỷ này chẳng hề biết sợ rét, nằm ngay trên tuyết mà ngủ ngon lành.

Thuần Vu Hồng biến sắc :

- Chẳng lẽ công lực của y lại thâm hậu đến mức ấy?

Vệ Cửu gật đầu ái ngại :

- Bẩm phải. Chính vì vậy mà lão phu nghi ngờ y là cao thủ của Tàn Y hội. Gã điên đến đây dò la rồi đánh cướp.

Thuần Vu Hồng tư lự :

- Tàn Y hội hùng cứ đất Quảng Tây, lẽ nào vượt mấy ngàn dặm mà hành sự? Thôi được, để ta ra xem thử.

Ông thành công rực rỡ trên thương trường cũng là nhờ vào đôi mắt sắc bén, chưa bao giờ lầm lẫn. Ngay Vệ Cửu là tay lão luyện giang hồ mà còn phải phục vị chủ nhân trả tuổi của mình.

Trang chủ phu nhân đứng lên, lấy áo bông cho chồng và cho mình. Bà hiếu kỳ muốn nhìn chàng trai quái dị kia.

Lát sau, ba người đội tuyết ra đến cổng. Quả nhiên là được chứng kiến cảnh tượng gã điên ngồi dựa gốc cây xuân già trước cửa trang mặc cho tuyết phủ đầy mặt mũi, thân thể. Mắt gã nhắm nghiền, có lẽ đang ngủ.

Nghe tiếng chân người bước đến gần, gã mở mắt nhìn và nở nụ cười rất tươi, hai hàm răng trắng đều. Không chỉ cười bằng miệng mà ánh mắt gã cũng biểu lộ niềm hân hoan rất trẻ con.

Thuần Vu Hồng nhận ra ngay đối phương rất thực thà và vô hại. Kẻ gian ác chẳng bao giờ có được nụ cười và ánh mắt trong vắt ấy.

Ông hắng giọng rồi hỏi han tên tuổi, quê quán cũng như lý do mà gã lưu lại nơi này song chỉ nhận được nụ cười ngơ ngẩn. Gã vừa điên lại vừa câm.

Trang chủ phu nhân không nói gì, chỉ im lặng quan sát khuôn mặt đen đúa nhưng thanh tú của chàng trai đáng thương. Không hiểu sao lòng bà dâng lên niềm xót thương vô hạn. Nếu con trai bà còn sống thì chắc cũng đã lớn ngần này rồi.

Do cẩn trọng nên ba người đứng cách kẻ khả nghi hơn trượng. Giờ đây, Tiết Như Xuân bất giác bước lên vài bước, dịu dàng hỏi :

- Này tiểu ca. Ngươi có đói bụng hay không?

Gã điên hớn hở gật đầu lia lịa, đứng lên vỗ bụng bồm bộp, tay kia chỉ vào miệng mình.

Trang chủ phu nhân thoáng giật mình nhưng không hiểu sao. Bà gật gù, suy nghĩ một lúc rồi bảo :

- Cơm thì nhà ta lúc nào cũng có sẵn nhưng ngươi định lưu lại nơi này bao lâu?

Chàng trai rách tưới tật nguyền kia liền chỉ vào ngực mình và chỉ vào cổng trang rồi ngồi xuống nhổ mấy cọng cỏ, ra hiệu rằng muốn được làm việc cho Thuần Vu gia trang. Té ra y chỉ câm chứ không điên.

Trang chủ phu nhân bối rối, quay lưng hỏi trượng phu :

- Tướng công. Thiếp thấy y quả là đáng thương. Liệu chúng ta có thế cưu mang y được chăng?

Thuần Vu Hồng quá hiểu rõ tâm tình của ái thê nên điềm đạm đáp :

- Lòng nàng đã muốn, lẽ nào ta không chiều ý.

Tiết Như Xuân sung sướng nghiêng mình :

- Cảm tạ tướng công đã luôn vì thiếp.

Gã câm hiểu rằng mình được chấp thuận, liền phục xuống lạy vợ chồng Trang chủ.

Kể từ hôm ấy, Thuần Vu gia trang không còn yên tĩnh như xưa do sự có mặt của tên gia nhân cổ quái. Vì gã câm nên người ta gọi gã là Á Tử. Gã không điên nhưng có lẽ cũng tưng tưng, nhiều lúc y như trẻ con.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thay y phục lành lặn và búi tóc thì trông Á Tử cũng khá tuấn tú, khôi ngô. Thân hình gã đầy những bắp thịt nhỏ nhưng vô cùng săn chắc khiến đám tỳ nữ trong trang phải xao xuyến.

Gã câm có sức khỏe phi thường, làm việc bằng năm người khác. Vì vậy bọn gia nhân đã dồn hai việc nặng nhất cho A Tử, đó là chẻ củi và gánh nước. A Tử vui vẻ hoàn thành công việc chẳng chút khó khăn khiến mọi người phải lắc đầu thán phục.

Á Tử không biết rằng mình bị giám sát rất chặt chẽ bởi những người chung quanh.

Tuy chiều ý vợ nhưng Thuần Vu Hồng không thể không đề phòng.

Sau một tháng theo dõi từng bước chân của gã câm, Vệ tổng quản đến báo cáo :

- Bẩm Trang chủ, gã tiểu quỷ kia quả là bí ẩn khôn lường khiến lão phu không sao tìm ra chân tướng. Y làm việc rất siêng năng, tính tình vui vẻ hiền lành nhưng lại đi khắp nơi, không bỏ sót chỗ nào. Địa điểm mà y thường đến nhất chính là hoa viên phía sau khuê phòng của Trang chủ và phu nhân. Mỗi lần phu nhân đi dạo là y chạy đến chào hỏi rồi theo không rời.

Thuần Vu Hồng ngắt lời Vệ Cửu :

- Còn võ công của gã thì sao?

Vệ Cửu nhăn đôi mày chớm bạc, khổ sở đáp :

- Bẩm Trang chủ. Lão phu đã bày kế, sai ba cao thủ hạng nhất của bổn trang gây sự rồi đánh y. Khổ thay, gã chẳng hề chống cự, chịu mấy quyền rồi bỏ chạy. Chỉ biết được rằng gã chạy nhanh như sóc.

Thuần Vu Hồng lo sợ :

- Gã ta có biểu hiện gì xấu đối với Tiệp nhi hay bọn tỳ nữ chăng?

Vệ Cửu lắc đầu :

- Bẩm không. Đặc biệt là Á Tử luôn tránh mặt tiểu thư, vừa gặp là quay đầu đi hướng khác. Còn bọn tỳ nữ thì cũng có nhiều ả lả lơi với Á Tử nhưng y chỉ cười.

Vệ Cửu ấp úng định nói thêm thì Thuần Vu Hồng cười bảo :

- Ta biết Vệ lão cực khổ nhiều vì Á Tử nhưng xin hãy vì ta và phu nhân mà cố gắng thêm một thời gian nữa. Từ ngày có gã câm, phu nhân ta vui vẻ hơn trước. Nàng thích những cuộc chuyện trò bằng dấu hiệu với Á Tử và dường như ngày càng yêu thương gã ấy hơn.

Ông thở dài nói tiếp :

- Á Tử gợi cho nàng nhớ đến Kỳ nhi.

Đứa con yểu mệnh của họ tên gọi Thuần Vu Kỳ.

Nghe chủ nhân nói thế, Vệ Cửu chẳng còn dám thở than, vội cúi đầu nhận nhiệm vụ.

* * * * *

Sáng rằm tháng chạp, sau khi bố thí xong như thường lệ, vợ chồng Thuần Vu Hồng lên kiệu đi lễ chùa. Ngày sóc, ngày vọng thì cửa hàng bán lẻ châu báu đóng cửa nên đám vương tôn công tử không đến. Đây là lúc để Đan Nhược Tiên Tử Thuần Vu Tiệp trút nỗi hận trong lòng. Hơn tháng nay nàng cay cú vì gã câm khốn kiếp kia tránh mặt mình, cứ như gặp ma vậy. Dù gã không biết nói thì cũng cúi đầu vái chào chứ sao lại lẩn đi. Cả trang này, không ai dám vô lễ với nàng.

Thuần Vu Tiệp không chỉ là một hoàng hoa khuê nữ chân yếu tay mềm. Nàng đã học võ tám năm với một đại cao thủ trong nghề đánh Nhuyễn tiên ở núi Từ Sơn, ngoại thành Khai Phong. Sư phụ nàng chính là Đại Lương Quái Tẩu.

Võ nghệ của Đan Nhược Tiên Tử cũng kha khá nhờ có một minh sư. Quái tẩu đã tặng nàng một cây roi tết bằng gân nai dài nửa trượng. Giờ đây Thuần Vu Tiệp xách vũ khí ấy để tìm Á Tử.

Nàng phát hiện gã câm đang chẻ củi phía sau nhà bếp. Thân trên phơi trần dưới làn mưa tuyết, cuồn cuộn những múi thịt mạnh mẽ.

Thuần Vu Tiệp thoáng đỏ mặt và thầm khen đối phương có thân hình oai vũ nhưng cơn giận đã khiến nàng quát lên :

- Này gã câm kia. Ngươi mau dừng tay để bổn cô nương hỏi tội.

Á Tử buông búa quay lại, nhận ra cây roi và nét mặt dữ dằn của nàng thiên kim tiểu thơ thì liền bối rối nhìn dáo dát định tìm đường đào tẩu.

Sợ gã chạy mất, Thuần Vu Tiệp liền hăm dọa :

- Nếu ngươi không đứng yên chịu đòn thì ta sẽ đuổi ngươi ra khỏi trang.

Dường như Á Tử rất sợ điều ấy nên bỏ ý định trốn tránh, đứng nhìn nàng bằng ánh mắt buồn rầu.

Lúc này gia đinh, tỳ nữ trong trang đã kéo đến rất đông, phần vì hiếu kỳ, phần vì muốn bảo vệ tiểu thư. Á Tử mạnh như hùm, lỡ nổi hung lên thì không chừng Đan Nhược Tiên Tử bị chẻ làm đôi.

May thay, gã câm đã buông cây búa và có thái độ nhẫn nhục.

Để thị uy với mọi người, Thuần Vu Tiệp ung dung quất mạnh vào vai kẻ láo xược, vừa đánh vừa nhiếc móc :

- Ta đánh cho ngươi chừa cái tật vô lễ. Từ nay mỗi lần gặp bổn cô nương là phải quỳ lạy nghe chưa?

Sau hơn tháng no đủ dưới mái nhà ấm cúng, da dẻ Á Tử đã bớt đen. Vì vậy những vết roi hiện lên rất rõ.

Lúc đầu, Thuần Vu Tiệp chỉ dùng sức cơ bắp, không dồn chân khí nhưng đánh mãi mà đối phương cứ trơ trơ chẳng chịu quỳ xuống van xin, nàng nổi điên vận công quất những đòn xé gió khiến thịt da Á Tử bắn máu tươi.

Vậy mà gã vẫn kiên cường chịu đựng, không hề rên rỉ. Ngay cả ánh mắt cũng chỉ có chút giận hờn. Hàng trăm vết roi ngang dọc nhuộm đỏ thân trên Á Tử. Có ả tỳ nữ bất nhẫn bật khóc xót thương cho chàng trai tật nguyền dễ mến. Những người còn lại cũng thở dài nhưng không dám lên tiếng can ngăn vị tiểu thư dữ tợn và ngang ngạnh.

Thực ra, Đan Nhược Tiên Tử chẳng phải là kẻ độc ác. Chính nàng cũng xốn xang trong dạ nhưng không biết cách nào để dừng tay cho phải phép. Nàng vừa giận vừa thầm mong cho Á Tử quỳ xuống khuất phục. Đường roi nhẹ dần và Đan Nhược Tiên Tử bật khóc thét lên :

- Sao ngươi không quỳ xuống, bộ muốn chết hay sao?

Á Tử bỗng lắc đầu, nở nụ cười thê lương như muốn nói rằng gã không thể quỳ trước mặt nàng.

May thay Vệ tổng quản đã kịp thời xuất hiện, nhảy vào che chở cho Á Tử. Thuần Vu Tiệp ôm mặt nức nở bỏ chạy về khuê phòng.

Vệ lão vội lấy thuốc kim sang băng bó cho chàng câm. Gần trưa, phu thê Thuần Vu Hồng về đến, được Vệ lão báo lại. Dĩ nhiên Đan Nhược Tiên Tử bị gọi lên trách mắng.

Trang chủ nghiêm giọng :

- Tiệp nhi. Nhà ta tu nhân tích đức đã lâu, dẫu người ngoài cũng hết lòng giúp đỡ. Sao lại có cảnh hành hạ đánh đập gia nhân một cách tàn nhẫn như thế? Hơn nữa Á Tử lại là một kẻ tật nguyền.

Phu nhân thì nghẹn ngào :

- Tiệp nhi. Mẫu thân rất thất vọng về nhân cách của con.

Bà chỉ nói đơn giản như thế nhưng Thuần Vu Tiệp nghe đau xé lòng. Nàng phục xuống khóc lóc, bày tỏ niềm hối hận và hức sẽ chẳng bao giờ tái phạm.

Thuần Vu Tiệp đi rồi, Thuần Vu Hồng thở dài nói với vợ :

- Với tính khí như thế thì Tiệp nhi chẳng thể làm người thừa kế của họ Thuần Vu.

* * * * *

Sau trận đòn, Á Tử được miễn mọi công việc, dù chỉ hai ngày sau là gã đã đủ sức vác búa lăm le đòi chẻ củi. Bị từ chối, Á Tử cũng chẳng buồn, lần ra hoa viên rộng lớn và xinh đẹp mà chơi trò nắn tượng tuyết.

Đêm mười chín tháng chạp, tiếng mõ tre vang động Thuần Vu gia trang, đuốc thắp sáng rực vườn hoa. Tiếng thét lìa đời thảm thiết của ai đó đã đánh động mọi người.

Vệ Cửu thống lãnh đội gia đinh tinh nhuệ bảo vệ gia quyến chủ nhân và vây chặt hoa viên. Ông kinh hãi đến ngẩn người khi phát hiện các chốt canh phía sau gia trang đều bị triệt hạ, cả bầy chó săn đắt tiền cũng mê man.

Bọn cường đạo đã vào gần đến vách phòng Trang chủ và tiểu thơ nhưng lại bị giết.

Bốn cái xác nằm ngổn ngang trên hiên sau.

Khi lột khăn che mặt của bọn Hắc y, Vệ Cửu rùng mình nhận ra dung mạo của Sơn Đông tứ quỷ, cao thủ khét tiếng trong giới Hắc đạo. Bộ tứ đạo tặc này võ nghệ cao cường, hành sự cực kỳ độc ác và mau lẹ, chưa hề thất bại bao giờ. Vậy mà ai đó đã giết tứ quỷ một cách dễ dàng và êm thắm, chỉ có một tên kịp mở miệng rên la. Ba tên bị cắt đứt yết hầu nên ra đi lặng lẽ, tên thứ tư thủng ngực trái nên khá ồn ào. Vũ khí của vị ân nhân kia còn nằm lại trên ngực gã xấu số. Đó là một con dao hai gang, dụng cụ giết heo của bọn đầu bếp Thuần Vu gia trang. Chính gã Lâm béo đã lên tiếng xác nhận quyền sở hữu hung khí.

Thế là đã rõ, tay cao thủ bí ẩn kia là người trong trang. Khi phát hiện kẻ địch liền vào bếp xách dao ra tiêu diệt.

Cạnh các tử thi còn có hai chiếc Mê Hồn Kê. Đây là dụng cụ của giới đạo tặc dùng để thổi mê phấn vào phòng khổ chủ. Nó thường được làm bằng đồng, trông như ấm trà nhỏ, không quai và có đến hai vòi dài. Trong ấm chứa Mê Hồn phấn, đầu vòi nhọn chọc thủng lớp giấy lợp cửa, đầu kia để tên đạo chích kê miệng thổi.

Khi lục soát những tay nải của Tứ quỷ, Vệ tổng quản giật mình vì phát hiện những trái cầu màu đỏ và đen. Đây chính là bửu bối lừng danh của chúng, đạn lửa và đạn khói mù. Lúc bị vây, Tứ quỷ dễ dàng thoát đi nhờ hai thứ hỏa khí lợi hại này.

Vệ Cửu bồi hồi suy nghĩ, thầm biết ơn vị ân nhân giấu mặt. Nếu người ấy không ra tay kịp lúc thì chắc chắn vợ chồng Trang chủ và tiểu thơ đã gặp nạn. Ông không hề ngán Tứ Quỷ nếu phải đối đầu nhưng chúng chẳng dại gì làm điều ấy.

Phu thê Thuần Vu Hồng không xuất hiện vì đang ẩn mình nơi mật thất, cả Thuần Vu Tiệp cũng thế. Khi nghe tiếng thét của gã thứ tư trong Tứ quỷ, họ đã kéo cần cơ quan ra và cả chiếc giường tuột xuống hầm. Song việc này chỉ có tác dụng khi họ sớm phát hiện kẻ địch, bằng như không biết thì cũng vô ích.

* * * * *

Sáng sớm hôm sau, Vệ tổng quản và Phó tổng quản Dương Hổ được mời dùng điểm tâm với gia đình chủ nhân. Bốn tử thi đã được bọn công sai thành Khai Phong mang đi.

Dương Hổ tuổi độ quá bốn mươi, người tầm thước, mặt xương xẩu, lưỡng quyền nhô cao, miệng rộng nhưng mũi hơi tẹt. Điểm đáng chú ý là đôi mắt họ Dương, chúng không to không nhỏ và hoàn toàn vô hồn. Nhãn thần của gã chẳng hề biểu lộ cảm xúc và cứ như kẻ mộng du vậy.

Có thể Dương Hổ không phải là tên thật và chỉ mình Thuần Vu Hồng biết điều ấy.

Bảy năm trước, gã tìm đến Vệ Cửu và ở lại. Vệ lão đã hết lòng bảo lãnh nên Dương Hổ được trọng dụng.

Họ Dương lầm lỳ ít nói, sắc diện lạnh lùng song lại là kẻ có trái tim nóng bỏng.

Thanh trường kiếm của gã giết người còn nhanh hơn Vệ Cửu một bậc.

Hôm nay Dương Hổ đang nổi giận. Gã giận chính mình vì đã để đạo tặc vào đến tận khu cấm địa. Đêm qua, do ỷ lại vào đàn chó đông đảo phía sau nên gã đã cùng Vệ Cửu nhâm nhi vài chén, quên cả việc tuần tra lúc chuyển canh ba.

Chờ mọi người ăn sáng xong, Thuần Vu Hồng mới nói :

- Nhị vị chẳng cần phải áy náy về việc Tứ quỷ xâm nhập thành công. Tài nghệ của họ thuộc loại thượng thừa. Họ đã từng viếng thăm quốc khố ở Bắc Kinh, phút chót mới bị lộ.

Vệ Cửu kinh ngạc :

- Thực thế ư? Sao lão phu chẳng hề được nghe?

Thuần Vu Hồng mỉm cười :

- Việc này là nỗi nhục cho mấy vạn cấm quân Bắc Kinh, đâu thể loan truyền. Ta nhờ nghe Tổng bộ đầu Hà Bắc kể lại nên mới biết.

Dương Hổ và Vệ Cửu đỡ bẽ mặt, ngấm ngầm cảm kích chủ nhân. Thuần Vu Hồng có quyền khiển trách họ nhưng ông đã không làm lại còn an ủi nữa.

Thuần Vu Tiệp nóng nảy lên tiếng :

- Vệ lão, vậy ông có xác định được ai là ân nhân của chúng ta không?

Vệ Cửu hắng giọng, chậm rãi đáp :

- Bẩm tiểu thư. Lão phu chẳng dám đoan chắc, chỉ có thể phỏng đoán rằng người ấy là Á Tử. Trong bổn trang, võ công của lão phu và Dương hiền đệ là khá nhất mà cũng không giết Tứ quỷ nhanh chóng như vậy được. Bọn thủ hạ lại càng không thể. Suy ra chỉ có gã câm bí ẩn kia mà thôi.

Thuần Vu Tiệp ngơ ngác, rùng mình :

- Thực thế sao? May mà hôm trước y không đánh lại ta.

Trang chủ phu nhân mỉm cười hiền hậu :

- Té ra là Á Tử đã cứu mạng nhà ta, phải gọi y lên để cảm tạ và ban thưởng mới được.

Thuần Vu Hồng thở dài, dịu giọng bảo vợ :

- Phu nhân. Sau việc này ta bắt đầu nghi ngờ cả nhãn quang của mình vì không thể yên tâm trước sự có mặt đầy bí ẩn của một đại cao thủ như Á Tử. Hôm nay, ta sẽ cố điều tra cho rõ lai lịch của y, mong nàng chớ phiền lòng.

Tiết Như Xuân biến sắc, run giọng :

- Thiếp là phận đàn bà, lòng dạ mềm yếu, đa cảm nên hay lo việc bao đồng khiến tướng công phải ưu phiền. Thật là đáng tội. Xin tướng công cứ thẩm tra cho rõ ngay gian, thiếp quyết chẳng dám vì tư tâm mà gây họa cho nhà mình.

Thuần Vu Hồng gật đầu, bảo Dương Hổ :

- Dương huynh đệ hãy đi gọi Á Tử lên đây.

Dương Hổ rời bàn, nửa khắc sau dẫn gã câm lên đến. Trước đó, Trang chủ đã dặn dò vợ những câu hỏi vỉ biết rằng Á Tử chỉ chịu trả lời bà.

Gã câm nở nụ cười hiền và rạng rỡ, bối rối cúi đầu chào. Nhận ra Thuần Vu Tiệp, kẻ đã đánh mình, gã bất ngờ bước đến quỳ trước mặt phu nhân, dập đầu lạy rồi dùng tay chỉ chỏ Đan Nhược Tiên Tử như muốn mách bà rằng ả kia đã đánh mình. Ánh mắt buồn rầu pha lẫn chút hờn giận kia khiến Á Tử khác nào một đứa bé bị kẻ lớn hơn ức hiếp nên mách mẹ.

Tiết Như Xuân rùng mình và bất giác sa lệ. Bà đưa tay vỗ vai Á Tử, buột miệng nói :

- Kỳ nhi yên tâm. Mẫu thân sẽ không để ai đánh đập con nữa đâu.

Cả nhà tái mặt, tưởng bà đã phát cuồng và lạ thay, Á Tử lết đến úp mặt vào gối bà mà khóc vuì. Tiếng khóc của người câm bội phần thê lương khiến ai cũng mủi lòng.

Thuần Vu Tiệp chợt cảm thấy bị xúc phạm vì dường như gã Á Tử kia đã chiếm mất mẹ của mình. Nàng giận dỗi nhắc nhở :

- Mẫu thân à, y đâu phải là Kỳ ca.

Tiết Như Xuân bừng tỉnh, gạt lệ, đỡ đầu Á Tử lên, nhìn chăm chú giương mặt thanh tú rồi hỏi :

- Con tên là gì?

Á Tử mỉm cười, cầm tay bà viết vào lòng bàn tay một chữ Kỳ. Té ra y biết chữ.

Tiết Như Xuân thảng thốt nói với chồng :

- Tướng công. Y viết rằng mình tên Kỳ. Lẽ nào Kỳ nhi còn sống và đã quay về. Nói xong, bà ôm đầu gã câm và khóc ròng.

Việc một đứa bé bốn tuổi thoát chết trong cơn lũ cuồng nộ của Hoàng Hà là điều khó tin song chút hy vọng đã lóe lên. Thuần Vu Hồng bảo :

- Phu nhân hãy cố bình tâm lại, hỏi han thật kỹ xem sao.

Tiết Như Xuân nghe lời chồng và cả nhà sững sờ trước những động tác của Á Tử.

Gã diễn tả cảnh mình bị nước cuốn, ôm chặt một thân cây, trôi rất xa thì được một lão nhân râu dài cứu mạng.

Thuần Vu Tiệp nhức đầu hoa mắt trước màn kịch câm, bực bội nói :

- Chẳng hiểu gì cả. Sao mẫu thân không bảo y viết ra giấy.

Á Tử ngượng nghịu xua tay, ra hiệu rằng mình chỉ biết có đúng một chữ Kỳ.

Thế là gã lại dùng tay. Đến gần trưa mọi người mới hiểu đại khác rằng thế này :

Sau khi cứu được Á Tử, lão nhân râu dài bạc trắng kia đã mang gã về một ngọn núi phương Nam, nuôi dưỡng và dạy võ công. Ông ta có kể lại chuyện cũ nên Á Tử quyết định ngược Bắc tìm lại cha mẹ. Y bỏ núi trốn đi nên chẳng có tiền bạc gì cả.

Dọc đường xin ăn hoặc hái quả dại trong rừng. Khi đến Khai Phong, đi ngang qua Thuần Vu gia trang, gã cảm thấy có chút quen thuộc nên dừng chân, dù không biết mình họ gì.

Còn việc gã bị câm là do đầu bị va vào vật cứng trong lúc bị cuốn trôi theo dòng lũ.

Gã đã cúi đầu, vạch tóc để mọi người xem vết xẹo nhỏ.

Câu chuyện này có vẻ hợp lý và khả dĩ kiểm tra được. Song vẫn còn một vài chi tiết đáng ngờ. Đó là việc y biết viết chữ Kỳ. Đứa bé câm không thể nói cho sư phụ biết tên mình, vì vậy làm sao học viết. Thứ hai là mặt Á Tử đầy râu, già dặn hơn số tuổi hai mươi, trong khi Thuần Vu Hồng lại chẳng thuộc dòng đa mao.

Thuần Vu Hồng là người sâu sắc, cơ cảnh, nhận ra ngay những điểm khả nghi song vì thương vợ mà không vội nói ra.

Khi hỏi đến việc hôm qua thì Á Tử bẽn lẽn xác nhận rằng mình đã giết bốn gã cường đạo. Y còn tỏ vẻ ăn năn, rùng mình vì tay đã nhuốm máu.

Trước Sau

TRÙM TRUYỆN
Trùm Truyện - Trang website Bách Khoa tổng hợp mọi thể loại truyện bom tấn và HOT nhất được nhiều người yêu thích truyện tìm kiếm và chia sẻ.